Trẻ sơ sinh bị ho khiến cha mẹ lo lắng không biết bé bị làm sao? Có nguy hiểm không? Cách xử trí như thế nào? Tìm hiểu bài viết sau để có giải đáp cho những vấn đề này nhé!
Tại sao trẻ sơ sinh bị ho?
Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ dị vật xâm nhập vào đường hô hấp ra khỏi cơ thể. Trẻ sơ sinh bị bệnh hô hấp, ho sẽ giúp đường thở đường thông thoáng, tống đờm nhầy ra ngoài. Có hai loại ho thường gặp ở trẻ là ho khan và ho có đờm.
Trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuối rất ít bị ho. Tuy nhiên, nếu bé bị ho thì có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau đây:
- Môi trường sống bị ô nhiễm nhiều khói bụi
- Người trong nhà hút thuốc lá
- Sử dụng than củi để xông sau sinh
- Thời tiết thay đổi
- Trẻ bị sặc, hóc dị vật
- Trẻ bị ho gà, dị ứng, viêm phổi, viêm phê quản
- Bé bị nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV
Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị ho có thể do đường hô hấp dưới của bé tăng tiết dịch nhầy chống lại các loại vi khuẩn, virus, dị vật nằm ở khí quản. Khi trẻ bị ho cần phải nhận biết dấu hiệu và có cách trị ho kịp thời, thích hợp.
Nhận biết trẻ sơ sinh bị ho và cách chữa trị hiệu quả
Trẻ sơ sinh bị ho do bị cảm lạnh, cảm cúm thông thường
Dấu hiệu nhận biết
- Ho khan
- Nghẹt mũi
- Đau rát họng, khô họng
- Sốt
Tùy thuộc vào mức độ của bệnh, trẻ có thể bị sốt nhẹ vào ban đêm, ho có đờm nhớt.
Cách xử trí khi trẻ sơ sinh bị ho do cảm lạnh, cảm cúm
- Không dùng thuốc trị ho, trị cảm lạnh tùy tiện bởi có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, thậm chí gây tử vong.
- Cho trẻ bú đầy đủ, có thể cho bé uống thêm nước. Điều này giúp làm loãng đờm, bé ho tống đờm nhầy ra ngoài dễ dàng hơn.
- Giảm ho do nghẹt mũi thì có thể sử dụng nước muối sinh lý vệ sinh sạch sẽ mũi, họng cho bé. Kết hợp dùng máy phun sương tạo độ ẩm giúp bé thở dễ dàng hơn. Trẻ trên 1 tuổi có thể cho bé uống nước ấm pha mật ong sẽ giúp làm loãng đờm.
- Sử dụng thuốc hạ sốt dành cho trẻ sơ sinh nếu bé sốt cao. Trường hợp bé ho nhiều, sốt cao trên 38 độ C, người mệt mỏi lừ đừ, quấy khóc, bỏ bú… cha mẹ hãy đưa bé đế bệnh viện thăm khám và điều trị ngay lập tức.
Trẻ sơ sinh bị ho do viêm thanh khí phế quản
Khí quản, thanh quản bị viêm làm cho lớp màng khí quản bị sưng khiến trẻ sơ sinh bị khó thở, ho. Viêm thanh khí quản thường diễn ra vào ban đêm khiến bé khó chịu, quấy khóc. Nếu trẻ sơ sinh bị ho, khó thở kèm sốt cao thì cần đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức.
Triệu chứng trẻ sơ sinh bị viêm thanh khí quản
- Thở yếu
- Ho từng cơn ngắn, tiếng ho lớn
- Thở khò khè nghe như tiếng huýt sáo qua kẽ răng hoặc tiếng ngáy
- Da tái xanh
- Bé cố gắng vận động cơ quanh cổ, mũi, cánh tay để dễ thở hơn trong trường hợp bệnh nặng
Cách điều trị trẻ sơ sinh bị ho do viêm thanh khí quản
Để làm dịu cơn ho cho bé, cha mẹ hãy ẵm bé ở tư thế vác vai sau đó vỗ nhẹ vào lưng bé. Tiếp đến, sử dụng một trong những biện pháp sau để giảm khó thở cho trẻ:
- Đưa bé ra ngoài đi dạo nếu trời mát, không khí trong lành sẽ giúp bé dễ thở hơn.
- Bế bé ngồi trong phòng tắm, đóng cửa, mở vòi sen nóng để bé hít thở không khí nóng ẩm.
- Dùng máy phun sương tạo độ ẩm cho không khí.
Sau 3 – 5 ngày tình trạng viêm thanh khí quản ở trẻ sẽ thuyên giảm. Nếu sau khoảng thời gian này mà tình trạng ho do viêm thanh khí quản ở trẻ không đỡ thì hãy đưa bé đến bệnh viện để có biện pháp điều trị thích hợp.
Trẻ sơ sinh bị ho do viêm phổi
Bé bị ho do viêm phổi thường là ho có đờm có màu vàng hoặc xanh. Việc trị ho trong trường hợp này phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn hay virus. Vì thế, cách tốt nhất là cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp, nhất là bé ho kèm theo sốt.
Trẻ sơ sinh bị ho do viêm tiểu phế quản, hen phế quản
Thường xảy ra sau khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh, sổ mũi. Các bác sĩ chuyên khoa nhi cho biết, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi rất ít khi bị hen phế quản. Ngoại trừ trường hợp trẻ mắc bệnh chàm eczema và trong gia đình có người bị dị ứng, hen phế quản.
Hầu hết trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị viêm tiểu phế quản do virus hợp bào hô hấp RSV.
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị ho do viêm tiểu phế quản, hen suyễn
- Có các triệu chứng bệnh cảm lạnh, khó thở
- Ngứa
- Chảy nước mắt
- Có thể kèm theo sốt nhẹ, chán ăn, bỏ bú
Cách xử trí khi trẻ sơ sinh bị ho do hen, viêm tiểu phế quản
- Cho bé uống đủ nước, bú đầy đủ
- Sử dụng máy phun sương để tạo độ ẩm không khí giúp trẻ dễ thở hơn.
- Theo dõi nhịp thở của bé. Nếu nhịp thở trên 50 nhịp/phút thì cần phải đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức.
- Sử dụng thuốc trị hen suyễn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Nếu tình trạng ho, khó thở trầm trọng hơn sau 1 – 2 ngày thì cha mẹ hãy cho bé đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
- Bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ xông albuterol nếu trẻ bị ho và khó thở do hen phế quản nặng.
>> THAM KHẢO: Những cách chữa ho tại nhà an toàn và hiệu quả nhất
Trẻ sơ sinh bị ho do ho gà
Vi trùng Bordetella pertussis là nguyên nhân gây ra bệnh ho gà. Bệnh dễ lây lan và gây tử vong ở người bệnh. Trẻ sơ sinh bị ho gà sẽ ho thành từng cơn liên tiếp nhau, cường độ ngày càng nhanh rồi yếu dần. Sau đó hít sâu vào sẽ nghe như tiếng gà gáy. Sau cơn ho, trẻ bị đỏ mặt, mí mắt sứng, môi tím táo, tĩnh mạch cổ nổi lên.
Triệu chứng trẻ sơ sinh bị ho do ho gà:
- Ho liên tục thành từng cơn dài, liên tiếp nhau.
- Mắt lồi
- Lưỡi thè ra
- Mặt đỏ, da tím tái
Nếu trẻ sơ sinh bị ho do ho gà thì cần phải được nhập viện ngay lập tức để được theo dõi và điều trị đúng cách.
Trẻ sơ sinh bị ho do sặc hoặc bị hóc dị vật
Khi bú sữa mẹ trẻ sơ sinh có thể bị sặc gây ho. Để hạn chế trẻ sơ sinh bị ho do sặc thì các mẹ cần chú ý không để bé nằm khi bú, đặc biệt là bé bú sữa công thức.
Bên cạnh đó không để thú nhồi bông xung quanh, bên cạnh chỗ bé chơi, bé nằm vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Một vài trường hợp, trẻ sơ sinh có thể bị viêm phổi do hóc thức ăn, dị vật mắc kẹt trong đường hô hấp.
Triệu chứng khi trẻ sơ sinh bị hóc dị vật
- Trẻ không ho được, miệng há to để đẩy dị vật ra ngoài.
- Da xanh, nhợt nhạt do bị thiếu oxy, đường thở bị dị vật chặn.
Cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị ho do hóc dị vật
- Cho bé nằm úp trên tay rồi vỗ vào giữa 2 xương bả vai bé để bé ho mạnh. Nhờ vậy mà tống được dị vật ra ngoài.
- Trường hợp dị vật chưa tống được ra ngoài thì cần phải đưa trẻ đến bệnh viện, cơ sở y tế uy tín gần nhất để được xử lý kịp thời.
- Cần tuyệt đối chú ý không được sử dụng tay để lấy dị vật do có thể khiến dị vật bị đẩy sâu vào bên trong.
- Một số trường hợp bác sĩ phải tiến hành chụp X – quang hoặc nội soi phế quản để xác định chính xác vị trí dị vật để lấy ra ngoài dễ dàng hơn.
Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh bị ho đến bệnh viện?
Cha mẹ cần theo dõi và đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức nếu trẻ sơ sinh bị ho kèm theo các biểu hiện sau:
- Trẻ nhỏ dưới 4 tháng tuổi bị ho
- Bé thở nhanh, thờ khò khè
- Trẻ sơ sinh bị ho khan, ho có đờm kèm theo dấu hiệu cảm lạnh, sốt cao từ 38 độ C trở lên.
- Bé bị ho khan kèm theo dấu hiệu cảm lạnh kéo dài 5 – 7 ngày, không sốt.
- Ho đột ngột, kịch phát, kéo thành từng cơn.
- Da xanh tím tái.
Trên đây là những thông tin hữu ích về tình trạng trẻ sơ sinh bị ho. Mong rằng những chia sẻ này giúp ích cho các bậc phụ huynh. Trẻ sơ sinh có sức đề kháng, hệ miễn dịch yếu kém nên rất dễ bị mắc bệnh. Do đó, cha mẹ cần trang bị những kiến thức cần thiết để bảo vệ và chăm sóc bé tốt nhất.
>> XEM NGAY: Cách xử lý khi bé ho nhiều nhưng không sốt