Cát cánh là một trong những vị thuốc nam quý thường được sử dụng trong y học cổ truyền. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về vị thuốc này nhé.
Thông tin về cát cánh
Cây cát cánh có tên khoa học là: Platycodon grandiflorum (Jacq) ADC. var. glaucum Sieb. et Zucc. Thuộc họ hoa chuông.
Tên gọi khác: Tề ni, cánh thảo, phòng đồ, bạch dược, mộc tiện, phù hổ, khổ cánh, lợi như, mộc tiện, cát tưởng xử…
Đặc điểm cây cát cánh
Cát cánh là một loại cây thân thảo, cao từ 50-80cm, lá gần như không cuống, phiến lá hình trứng, mép lá có răng cưa to. Hoa mọc riêng lẻ, đài hoa màu xanh hình chuông, quả hình trứng ngược. Cát cánh phân bố chủ yếu ở Trung Quốc.
Cát cánh có nhiều loại khác nhau, nhưng phổ biến nhất là loại cát cánh hoa tím và hoa trắng. Cả hai loại này đều sử dụng rễ để làm thuốc, tuy nhiên rễ của loại cát cánh đắng tốt hơn. Trong sách “Thần Nông bản thảo”, gọi cát cánh là Tề ni hoặc Tề nê.
Loại cát cánh ngọt cũng là một loại cây thân thảo cao khoảng 1m, lá mọc cách, mép lá có răng cưa. Rễ cây cát cánh ngọt có vị ngọt, mặt cắt ngang không có vân hoa cục. Còn loại rễ cây cát cánh (tề ni) có vị đắng, mặt cắt ngang có vân hoa cục.

Khi được 3 – 4 năm, người ta sẽ đào rễ cây cát cánh, rửa sạch rồi phơi hoặc sấy khô để làm thuốc. Rễ cây cát cánh hình trụ, ở phía dưới thon nhỏ, dài khoảng 20cm, đường kính 2cm. Mặt ngoài màu trắng ngà, có những vết ngang dọc, vị đắng.
Cách bào chế cát cánh
Có nhiều cách bào chế cát cánh, tùy theo mục đích sử dụng như:
- Bỏ đầu cuống cát cánh, giã với Bách hợp sống, giã cho đến khi nát bấy, ngâm nước một đêm rồi sao khô. (Theo Lôi Công Bào Chích Luận)
- Cạo vỏ ngoài cát cánh, ngâm nước gạo một đêm, sắc lát và sao qua (Theo Bản Thảo Cương Mục)
- Rửa sạch rễ rồi ủ một đêm, sắc lát mỏng, phơi khô hoặc tẩm mật sao qua. (Theo Trung Dược Đại Từ Điển)
Vì rễ cây cát cánh dễ bị mốc, nên cần bảo quản nơi khô ráo thoáng mát để đảm bảo chất lượng cho vị thuốc này.
Tác dụng chữa bệnh của cây cát cánh
Cây cát cánh có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, như:
- Theo kết quả nghiên cứu trên chó và mèo đã gây mê uống nước cát cánh, cho thấy tăng tiết dịch ở niêm mạc phế quản, có tác dụng long đờm mạnh.
- Theo kết quả nghiên cứu trên thỏ, đặc biệt là trong trường hợp tạo tình trạng tiểu đường nhân tạo, nước cát cánh có tác dụng làm giảm đường huyết của thỏ.
- Trên các thí nghiệm ở chuột, nước sắc cát cánh giúp chuyển hóa cholesterol trong cơ thể, giảm cholesterol ở gan.
- Ức chế nhiều loại nấm da thông thường.
- Thành phần saponin có trong cát cánh mang đến tác dụng kháng viêm, an thần, ức chế miễn dịch, giảm đau, giải nhiệt cho cơ thể.
- Theo Đông y, cát cánh ban đầu có vị ngọt, về sau đắng dần, giúp long đờm, thông khí ở phổi, tán huyết làm tan máu.
Một số bài thuốc từ cát cánh
Chữa trị đau họng
Dùng 8g cát cánh và 4g cam thảo. Sắc hoặc tán thành bột uống.
Trị tình trạng ngực đầy nhưng không đau
Sắc cát cánh và chỉ xác theo tỉ lệ bằng nhau, sắc hai chén còn một chén, uống nóng.
Trị thương hàn
Chuẩn bị: 12g cát cánh, 12g bán hạ, 12g trần bì, 5 lát gừng. Sắc với 2.5 chén nước, còn 1 chén, uống nóng.
Trị ho có đờm
Tán bột 60g cát cánh, sắc với ½ chén đồng tiện, uống nóng.
>> Có thể bạn quan tâm: Những cách trị ho có đờm từ thảo dược tự nhiên khác
Trị phế ung, ho, lâu lâu nhổ nước bọt có mùi hôi tanh
Vị thuốc: 40g cam cát cánh, 80g cam thảo. Sắc 3 chén nước còn 1 chén, uống nóng.
Trị ứ huyết trong ruột do bị đánh đập hoặc té ngã
Cát cánh tán thành bột, mỗi lần sử dụng uống với 12g nước cơm.
Chữa răng sâu, đau nhức
Tán bột cát cánh và dĩ nhân, rồi uống.
Trị đau mắt do can phong thịnh
Vị thuốc: 1 thăng cát cánh, 120g hắc khiên ngưu đầu nhỏ. Tán thành bột, làm thành từng viên, to bằng hạt bắp. Uống 40 viên một lần với nước nóng, một ngày hai lần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Chữa chảy máu mũi
Tán cát cánh thành bột, uống với 1 muỗng canh nước, 4 lần một ngày.
Trị chứng khóc đêm ở trẻ nhỏ, khóc không ra hơi
Đốt cát cánh rồi tán thành bột, khoảng 12g, uống với nước cơm.
Trị ho có đờm đặc
Vị thuốc: 8g cát cánh, 12g Ta bà diệp, 12g tang diệp, 4g cam thảo. Sắc uống 1 ngày 1 thang, uống liên tục trong 3 ngày.
Trị chứng ho hàn có đờm lỏng
Chuẩn bị: 8g cát cánh, 12g hạnh nhân, 12g tử tô, 4g bạc hà. Sắc uống trong 4 ngày liên tục để đạt được hiệu quả cao nhất.
Trị viêm amidan
Vị thuốc: 8g cát cánh, 12g kim ngân hoa, 12g liên kiều, 4g sinh cam thảo. Đem sắc tất cả các vị thuốc lấy nước uống.
Trị phế ung, tức ngực, ho ra đờm mủ
Vị thuốc: 160g cát cánh, 340g hồng đằng, 32g dĩ nhân, 340g tinh thảo, 32g tử hoa địa đinh. Làm thành 450ml rượu, mỗi lần uống 10ml, uống 3 lần một ngày.
Chữa đau ngực tuổi già
Vị thuốc: 12g cát cánh, 6g quảng mộc hương, 12g trần bì, 12g hương phụ, 20g đương quy. Sắc lấy nước uống, mỗi ngày một thang.
Trị cam răng, hôi miệng
Tán hồi hương và cát cánh với tỉ lệ bằng nhau thành bột. Trộn đều, sau đó bôi vào chân răng.
Hỗ trợ điều trị viêm phổi
Vị thuốc: 4g cam thảo, 4g cam thảo sống, 8g rau diếp cá, 8g bối mẫu, 20g nhân ý dĩ, 24g nhân hạt bí trắng, 63g rễ cỏ tranh, 12g dây kim ngân. Sắc uống.
Lưu ý khi dùng cát cánh
- Với những người bị âm hư hỏa nghịch không có phong hàn ở phế, âm hư ho lâu ngày, có khuynh hướng ho ra máu, hỏa vượng, ho suyễn, lao tổn, tuyệt đối không sử dụng cát cánh.
- Kỵ bạch cập, long đờm thảo, và thịt heo.
- Ngoài ra, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh trường hợp tương tác với các loại thuốc bạn đang sử dụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Cát cánh là một trong những loại thảo dược đáng quý, tốt cho sức khỏe. Trên đây là một số tác dụng của cát cánh, hy vọng đây là thông tin hữu ích với bạn. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe.
>> Tin liên quan:
- Tác dụng trị bệnh không ngờ của bách bộ
- Công dụng của tang bạch bì