Húng chanh được biết đến là loại gia vị, rau sống tăng sự ngon miệng cho món ăn. Tuy nhiên, y học hiện đại đã nghiên cứu và chỉ ra rằng hợp chất trong húng chanh có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm rất tốt. Cùng tìm hiểu đặc điểm, tác dụng, bài thuốc và những điều cần lưu ý khi sử dụng húng chanh chữa bệnh trong bài viết này nhé!
Thông tin về húng chanh
- Tên khoa học: Plectranthus amboinicus, họ hoa môi (Lamiaceae).
- Tên gọi khác: Tần lá dày, rau tần, rau thơm lùn, dương tử tô, rau thơm lông.

Đặc điểm của cây húng chanh
- Húng chanh là cây thân thảo, sống lâu năm.
- Cây cao từ 20 – 30cm. Thân sát gốc hóa gỗ.
- Lá húng chanh dày cứng, giòn và mọng nước. Lá tần dày có lông mịn, mép răng cưa khía tròn, mọc đối nhau. Cả mặt trên và mặt dưới lá đều có màu xanh lục.
- Thân và lá húng chanh mập, giòn và có mùi thơm, cay.
- Hoa húng chanh nhỏ, có màu tím đỏ, mọc ở đầu cành.
- Quả húng chanh nhỏ, hình tròn và có màu nâu.
- Cả cây đều có lông rất nhỏ, có mùi thơm đặc trưng như mùi chanh. Chính vì thế nên được gọi là húng chanh.
Tác dụng chữa bệnh của húng chanh
Húng chanh không chỉ là một loại gia vị mà còn được chứng minh có nhiều công dụng chữa bệnh rất tốt.
Theo Đông y
Húng chanh có vị the cay, tính ấm, mùi thơm, hơi chua và không độc. Vị thuốc này tác động vào 3 kinh phế, tỳ, vị. Có tác dụng tiêu đờm, bổ phế, đổ mồ hôi, giải cảm, giải độc, thông hơi và sát khuẩn.
Húng chanh là vị thuốc quý dùng để chữa trị các bệnh:
- Cảm cúm
- Sốt cao, sốt không đổ mồ hôi
- Ho, ho ra máu, hen phế quản, viêm phế quản
- Viêm họng, mất giọng, khản tiếng
- Chảy máu cam, nôn ra máu

Theo Y học hiện đại
Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, lá húng chanh có chứa hàm lượng tinh dầu lớn, đặc biệt là hợp chất phenolic. Hợp chất này có thành phần chính là cavaron. Chất cavaron có khả năng ức chế hoạt động của các loại vi khuẩn cực mạnh. Do đó, húng chanh có tác dụng kháng khuẩn rất hiệu quả.
Bên cạnh đó, hợp chất màu đỏ colein trong lá húng chanh có tác dụng như một loại kháng sinh mạnh đối với vi trùng. Nhất là vi trùng gây bệnh ở mũi, họng, miệng và đường ruột.
Như vậy, lá húng chanh chứa nhiều hoạt chất có tác dụng thúc đẩy hệ thống miễn dịch bằng cách ngăn chặn vi khuẩn, tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Chất chống viêm trong lá húng chanh sẽ giúp giảm sưng tấy đỏ, sưng đau do côn trùng cắn, đốt.
Mùi thơm đặc trưng của húng chanh giúp thư giãn, giảm căng thẳng, an thần nhẹ. Những người bị stress ngửi lá húng chanh sẽ được thư thái, thoải mái và ngủ ngon sâu giấc hơn.
Bộ phận được sử dụng làm thuốc chữa bệnh lá cây. Lá húng chanh được dùng tươi và thu hái quanh năm.
Các bài thuốc chữa bệnh từ húng chanh
Có nhiều bài thuốc chữa bệnh từ cây húng chanh được lưu truyền từ xa xưa. Dưới đây là một số cách thông dụng được nhiều người áp dụng và đạt hiệu quả cao:
Trị ho, khản tiếng, viêm họng
Trị ho: Lấy là húng chanh non, rửa sạch rồi giã nát, vắt lấy nước cốt dùng để uống. Hoặc có thể cho thêm nước lọc vào nước cốt lá húng chanh để uống. Uống 2 lần/ngày. Nước lá húng chanh hơi khó uống nên có thể cho thêm đường để dễ uống hơn.
Chữa khản tiếng, viêm họng: Sử dụng lá húng chanh tươi đem rửa sạch, để ráo nước. Sau đó thái nhỏ lá húng chanh, thêm đường phèn rồi đem hấp cách thủy. Chắt lấy nước uống từ từ. Phần bã sẽ ngậm trong miệng đến khi hết nước. Áp dụng cách chữa này mỗi ngày một lần. Thực hiện liên tục trong khoảng 3 – 5 ngày triệu chứng bệnh sẽ biến mất.
Chữa đau bụng
Đem rửa sạch lá húng chanh, để ráo nước. Lấy 1 – 2 lá nhai cùng với một vài hạt muối. Ngậm trong miệng rồi nuốt từ từ.
Chữa cảm cúm
Lấy lá húng chanh tươi đun sôi với nước và dùng nước này để xông. Để tăng hiệu quả có thể kết hợp với các loại lá khác như lá bưởi, lá chanh…
Trị cảm sốt, sốt không ra mồ hôi
Chuẩn bị: 20g lá húng chanh, 15g cam thảo đất, 15g tía tô, 5g gừng tươi.
Cách thực hiện: Thái nhỏ tất cả các vị thuốc trên rồi sắc rồi lấy nước uống. Sau vài lần hiện tượng cảm sốt, sốt không ra mồi hôi sẽ khỏi.
Trị hen suyễn có đờm
Húng chanh 10g, lá cây bỏng 10g, cả 2 loại lá này đem ép nước uống khi đi ngủ.
Chữa ho thông thường, ho có đờm
Chuẩn bị: Lá húng chanh 15 – 16 lá, quất xanh (tắc xanh) từ 4 – 5 quả.
Cách thực hiện:
- Lá húng chanh, quất đem rửa sạch.
- Xay nhuyễn, thêm đường phèn vào rồi hấp cách thủy.
- Chắt lấy nước cốt uống. Người lớn nên ngậm và ăn cả phần bã.
Kiên trì thực hiện sau 1 – 2 ngày sẽ khỏi ho.
Lưu ý khi sử dụng húng chanh
Húng chanh có tác dụng chữa bệnh rất tốt, nhất là bệnh hô hấp hay gặp vào mùa đông. Tuy nhiên, để có tác dụng điều trị hiệu quả tốt nhất và phòng tránh được những rủi ro có thể xảy ra thì cần phải:
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ, thầy thuốc trước khi sử dụng. Đặc biệt là dùng để chữa trị cho trẻ sơ sinh, trẻ em.
- Kiên trì sử dụng bài thuốc trong một thời gian dài mới thấy tác dụng. Tuy nhiên, hiệu trả trị bệnh là tận gốc.
- Lá và thân của húng chanh có rất nhiều lông nên có thể gây kích ứng cho những người bệnh có làn da nhạy cảm. Do đó, khi sử dụng cần hết sức lưu ý.
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không nên sử dụng húng chanh để chữa trị bệnh do loại cây này chứa các thành phần hóa chất. Nếu định dùng thì cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi sử dụng.
Qua trên mong rằng bạn đọc biết thêm được những thông tin hữu ích về húng chanh. Đồng thời biết cách sử dụng lá húng chanh đẩy lùi được nhiều loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh về hô hấp để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
>> XEM THÊM: Những công dụng của cây tía tô