Tràm là một trong những loại thảo dược quý dùng để chữa trị các bệnh về hô hấp. Tuy nhiên không phải ai cũng biết đến công dụng này. Cùng tìm hiểu rõ hơn về cây tràm, công dụng chữa bệnh của loài cây này nhé!
Thông tin về cây tràm
Tràm có nhiều tên gọi khác nhau như: Cây chè đồng, khuynh diệp, chè đồng và bạch thiên tầng.
Đặc điểm của cây tràm
Đặc điểm hình thái của tràm
- Tràm là cây gỗ nhỏ và trung bình. Cây cao từ 10 – 15m, thậm chí 20 – 25m, đường kính thân có thể lên đến 50 – 60cm. Tràm là cây thường xanh. Tuy nhiên, nếu mọc ở vùng đất cằn cỗi, tràm lại là cây bụi và chỉ cao khoảng 0,5 – 2m.
- Thân không thẳng, vỏ ngoài xốp, mỏng, có màu trắng và bong thành nhiều lớp.
- Cây tràm có hệ rễ phát triển rất mạnh. Lá đơn, dày, phiến lá hình trái xoan hẹp hoặc hình mác không cân đối, mọc so le nhau. Đầu lá tù hoặc nhọn, gốc tròn, khi non có lông mềm màu trắng bạc, sau nhẵn, có màu xanh lục. Cuống lá tràm ngắn và có lông.
- Hoa nhỏ có màu trắng, trắng kem, trắng vàng nhạt hoặc trắng xanh nhạt.
- Quả nang nhỏ có hình bán cầu, hình cầu hoặc hình chén. Khi chín, quả sẽ nứt thành 3 mảnh. Hạt tràm có hình trứng.
- Hoa nở sẽ tạo quả và trục cụm hoa tiếp tục sinh trưởng, phát triển. Chính vì thế đã tạo thành từng đoạn mang lá, hoa và quả xen lẫn nhau.

Đặc điểm sinh thái của tràm
- Biên độ sinh thái của cây tràm rộng, nhưng rừng tràm nguyên sinh phân bố phổ biến ở các bãi lầy ven biển, bãi cửa sông ở vùng nhiệt đới nóng ẩm.
- Nhiệt độ sinh trưởng tốt: 31 – 33 độ C, nhiệt độ thấp nhất có thể sinh trưởng từ 17 – 22 độ C. Cây không chịu được băng giá.
- Cây tràm ưa sáng, bộ tán thưa. Tràm tái sinh, phát tán từ hạt rễ, gốc.
- Tốc độ tăng trưởng của tràm nhanh, ra hoa vào tháng 10 – 12 và quả chín vào tháng 1- 3 năm sau.
Phân bố
Cây tràm phân bố ở khắp nơi trên thế giới như Việt Nam, miền nam Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Lào, miền Bắc Australia, Brazil, Ghinea…
Ở nước ta, cây tràm sinh trưởng ở cả miền Bắc và Nam. Tuy nhiên chủ yếu là ở những tỉnh phía Nam. Chẳng hạn như ở các tỉnh: Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Long An…
Các loại tràm
- Melaleuca cajuputi có đặc điểm hình thái gần giống với loài M. leucadendra L. thuộc chi Melaleuca L.
- M. leucadendra L. có thể còn được viết dưới tên M. leucadendron L. là loài chỉ phân bố tự nhiên ở Australia, Papua New Guinea và Moluccas (Indonesia).
- Tràm M. cajuputi là loài duy nhất của chi tràm Melaleuca. Được phân bố tự nhiên ở phía tây tuyến Wallace (Wallace’s Line), từ Australia đến Đông Nam Á và có khuynh hướng mở rộng vùng phân bố.
Ở Việt Nam có 2 loại cây tràm là:
Tràm cừ cây thân gỗ, cao từ 10 – 20m, sinh trưởng và phát triển trên đất phèn ngập nước. Phân bố nhiều ở Đồng Tháp Mười, chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Long An và Cà Mau. Hàm lượng tinh dầu khoảng 0,3 – 0,4% và hàm lượng cineol trong tinh dầu khoảng 1,5 – 9,5%.
Tràm đồi hay tràm gió, tên khoa học Melaleuca cajuputi Powell, chi Tràm Myrtaceae. Tràm gió là cây thân gỗ, có thể cao đến 35m. Vỏ tràm gió có màu bạc, hoa màu trắng hoặc xanh lá. Cây phân bố nhiều ở vùng nội địa, đồi núi thấp, ven biển. Hàm lượng tinh dầu trong lá tràm đồi cao từ 0,5-0,8% và hàm lượng cineol trong tinh dầu rất cao lên đến 46 – 72%.

Trồng trọt và khai thác
Cây tràm thường được trồng bằng hạt. Đây là loại cây có khả năng tái sinh rất cao cho dù sau đốn tỉa, cháy rừng thì tỷ lệ ra chồi lên đến 95 – 100%.
Có thể khai thác cất tinh dầu tràm sau 3 – 5 tháng đốn tỉa. Việc khai thác có thể diễn ra quanh năm nhưng vào mùa khô sẽ cho hàm lượng tinh dầu cao hơn nhiều so với mùa mưa.
Theo thống kê, hai nước sản xuất tinh dầu tràm chính là Indonesia và Việt Nam.
Hiện nay, ở nước ta khai thác chủ yếu từ những rừng tràm mọc tự nhiên là chủ yếu. Thường sẽ khai thác khi cây được 5 – 6 tuổi. Khai thác 2 lần/năm vào mùa sinh trưởng tháng 3 và 9 lúc hàm lượng tinh dầu và chất xanh đều cao. Thu hái chế tinh dầu thường sử dụng cả lá và cành non ở độ cao cách mặt đất khoảng 1m.
Sau khi thu hái lá tràm về sẽ tinh cất tinh dầu, hàm lượng chất 1,8-cineol càng cao thì chất lượng tinh dầu càng tốt.
Bộ phận của cây tràm được sử dụng
Cành mang lá, lá và tinh dầu.
Những đặc điểm vi học của lá tràm
- Biểu bì của lá tràm có lớp cutin rất dày và có nhiều lỗ khí ở cả hai mặt lá.
- Bó libe gỗ của lá tràm được bao bọc bên ngoài bởi một vòng sợi trụ bì và 1 vòng nội bì.
- Mô mềm giậu ở cả 2 mặt của phiến lá đều có từ 1 – 2 hàng tế bào.
- Những túi tiết tinh dầu nằm rải rác ở trong các mô mềm.
Thành phần hoá học của lá tràm
Lá tràm đồi tươi chứa:
- 0,5 – 0,8% tinh dầu, thành phần chính là 1,8-cineol chiếm 46 – 72%
- Các hợp chất khác: Limonen chiếm 3,69 – 3,98%, α¬terpineol chiếm 14,03 – 15,31%, α-pinen chiếm 0,90 – 1,24%, linalool chiếm 2,84 – 4,17%, ρ-cymen chiếm 0,90%…
Lá tràm cừ chứa:
- 0,3 – 0,5% tinh dầu, thành phần 1,8-cineol chỉ chiếm 1,43 – 9,49%.
- Các hợp chất khác: Limonen chiếm 1,7%, α-pinen chiếm 13,82-14,5%, α¬terpinen chiếm 1,78-1,80%, ρ-cymen chiếm 8,98-9,59%, linalool chiếm 0,44-0,50%…

Công dụng của cây tràm
Mỗi bộ phận của cây tràm có công dụng khác nhau, bao gồm:
- Lá tràm hay ngọn có lá được dùng để trị ho có đờm, tiêu hóa kém, cảm phong hàn.
- Tinh dầu tràm, hợp chất cineol có khả năng sát khuẩn, kháng viêm đường hô hấp và kích thích trung tâm hô hấp.
- Bên cạnh đó, tinh dầu tràm còn kháng khuẩn, chữa bỏng, chữa lành vết thương, lành da nhanh chóng. Từ nước ót của tinh dầu tràm khi loại bỏ cineol thì chiết xuất được hai hợp chất terpineol và linalol. Chất terpineol có công dụng kháng khuẩn rất mạnh.
- Gỗ của cây tràm được sử dụng để làm nguyên liệu chế biến giấy sợi, sử dụng trong xây dựng, đóng đồ gia dụng, trụ mỏ.
Trên đây là những thông tin bổ ích về cây tràm như đặc điểm, công dụng, trồng trọt và khai thai… Hi vọng rằng giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về loài cây này.
>> XEM THÊM: Những tác dụng trị bệnh hiệu quả của cát cánh