Viêm họng liên cầu khuẩn là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm như thấp tim, thấp khớp, viêm cầu thận,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Vì thế, cần nhận biết và chữa trị bệnh càng sớm càng tốt. Tìm hiểu một số thông tin về viêm họng liên cầu khuẩn như nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị,… bệnh như thế nào trong bài viết sau.

Viêm họng liên cầu khuẩn là gì?
Viêm họng liên cầu khuẩn là loại viêm họng nguy hiểm nhất do có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm như thấp tim, thấp khớp, viêm cầu thận,…
Nguyên nhân
Do liên cầu khuẩn tan huyết β nhóm A (Streptococcus). Loại liên cầu khuẩn này vỏ có cấu trúc gần giống với cấu tạo màng thận, màng tim, màng khớp. Nếu không được chữa trị viêm họng liên cầu khuẩn kịp thời, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại liên cầu này và tấn công cả tim, khớp, thận cực kỳ nguy hiểm cho người bệnh.

Triệu chứng
- Đau họng đột ngột, cảm thấy đau và khó khăn khi nuốt mà không kèm theo triệu chứng chảy nước mũi, không bị cảm lạnh.
- Amidan sưng đỏ, có mủ trắng bẩn, trẻ em có thể xuất hiện màng trắng hoặc xám ở amidan.
- Sốt cao trên 39 độ C, đau đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng; nổi hạch ở cổ, cơ thể nhức mỏi khó chịu.
- Ở trẻ em còn xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp thở, nổi ban trên da, đau khớp.
- Khi đi khám chữa xét nghiệm máu còn thấy lượng bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao.
- Viêm họng liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A còn kéo theo các bệnh do nhiễm khuẩn khác như viêm xoang mũi, viêm amidan, viêm tai, viêm khớp, viêm cầu thận, thấp tim,...

Khi nào cần đến bệnh viện?
Trường hợp người bệnh bị đau họng kèm theo các triệu chứng sau thì cần nhanh chóng đến bệnh viện để điều trị kịp thời:
- Bị đau họng và cổ sau mọc hạch, hạch đau.
- Đau họng kéo dài 2 ngày kèm sốt cao trên 38 độ C, hoặc sốt kéo dài hơn 2 ngày.
- Bị đau họng những không kèm theo các triệu chứng cảm lạnh hoặc chảy nước mũi.
- Người bệnh bị sốt, khó thở và phát ban nổi hạch.
Các xét nghiệm xác định bệnh chính xác
- Lấy mẫu dịch từ cổ họng: Cách này nhằm xác định có sự hiện diện của vi khuẩn liên cầu khuẩn tan huyết β nhóm A (Streptococcus) hay không.
- Xét nghiệm kháng nguyên: Bệnh nhân sẽ phải thực hiện phương pháp này khi kết quả từ việc lấy mẫu dịch không đáp ứng được yêu cầu của bác sĩ.
Viêm họng do liên cầu khuẩn có lây không, lây qua đường nào?
Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn có khả năng lây lan từ người sang người rất cao. Chủ yếu qua các con đường sau:
- Đường hô hấp: Hít phải các hạt nước trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi.
- Ăn uống chung: Chia sẻ đồ ăn thức uống hoặc dùng chung các vật dụng khi ăn uống với người bị viêm họng liên cầu khuẩn.
- Tiếp xúc với những đồ vật hoặc các bề mặt khác có dính vi khuẩn gây bệnh; không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Điều trị và phòng bệnh viêm họng liên cầu khuẩn
Điều trị viêm họng liên cầu khuẩn
Gần như tất cả các trường hợp bị viêm họng liên cầu khuẩn đều phải dùng thuốc kháng sinh như: penicillin. Loại thuốc này có tác dụng ức chế các loại vi khuẩn phát triển nhanh chóng; giúp kiểm soát được tình trạng lây lan bệnh hiệu quả nhất.
Nếu trẻ bị viêm họng liên cầu khuẩn, thuốc kháng sinh được sử dụng là amoxicillin. Loại thuốc kháng sinh này có vị dễ uống hơn Penicilin. Trường hợp trẻ uống thuốc bị nôn hoặc khó nuốt thì có thể dùng penicillin đường tiêm; theo đúng chỉ định của bác sỹ.

Người bệnh bị dị ứng với penicillin, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh thay thế như cephalosporin (cephalexin); hoặc macrolide (erythromycin hoặc azithromycin).
Để chữa trị triệu chứng viêm họng liên cầu khuẩn thì có thể dùng acetaminophen hạ sốt và giảm đau họng. Tuyệt đối cần chú ý trẻ dưới 12 tuổi không dùng aspirin.
Có thể bổ sung thêm các loại vitamin nhóm B, C để nâng cao sức đề kháng cho người bệnh.
Chăm sóc người bệnh viêm họng liên cầu khuẩn
- Uống nhiều nước để nước cổ họng được giữ ẩm, trơn, giảm cảm giác đau rát họng; đồng thời ngăn ngừa mất nước.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn giúp nâng cao sức chống đỡ bệnh tật.
- Ăn các loại thức ăn mềm, dễ nuốt như các loại súp, nhất là súp gà, uống nước canh,…
- Không nên ăn các loại thức ăn cay, chua như tiêu ớt, nước cam, chanh,…
- Súc họng bằng nước muối ấm pha loãng.
- Vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ.
- Tránh xa khói thuốc lá do khói thuốc lá kích thích họng, dễ làm tăng viêm nhiễm.
Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm họng liên cầu khuẩn. Khi có những dấu hiệu nên đi khám bác sỹ để có kết luận chính xác nhất và có cách điều trị phù hợp.
>> Tin liên quan: Viêm họng đỏ là gì? Tất cả thông tin cần biết