Viêm phế quản phổi xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Đây là bệnh hô hấp dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm họng, ho… nên thường chữa trị không đúng cách. Bài viết dưới đây giúp bạn hiểu rõ hơn về viêm phế quản phổi là gì, triệu chứng, nguyên nhân, bệnh có lây không và cách điều trị phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Viêm phế quản phổi là gì?
Viêm phế quản phổi còn được gọi là sưng cuống phổi; đây là hiện tượng viêm nhiễm đường thở dưới. Khi bị viêm cuống phổi sẽ gây ra tình trạng ho nhiều, mặc dù bệnh chưa ảnh hưởng vào nhu mô phổi. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì có thể lan xuống nhu mô phổi và gây viêm phổi.
Người dễ mắc viêm phế quản phổi gồm:
- Trẻ em, nhiều nhất là trẻ 1 tuổi.
- Bé bị sinh non, còi xương và suy sinh dưỡng cũng rất dễ bị mắc bệnh; sau đó chuyển nặng dẫn đến viêm phổi.
- Trẻ đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, ho gà, sởi.
Viêm phế quản phổi đã có bội nhiễm
Viêm phế quản phổi đã có bội nhiễm là viêm phế quản phổi nguyên nhân do virus gây ra không được chữa trị triệt để nên dẫn đến tình trạng vi khuẩn tấn công vào phế quản phổi. Khi đó, người bệnh vừa bị viêm phế quản phổi do virus vừa bị viêm phế quản phổi do vi khuẩn.
Triệu chứng viêm phế quản phổi ở trẻ em
Viêm phế quản phổi ở trẻ thường trải qua 2 giai đoạn: Khởi phát và toàn phát.
Giai đoạn khởi phát
Khởi phát từ từ: Triệu chứng viêm phế quản phổi ở giai đoạn này thường không rõ rệt nên khó phát hiện, dễ bị nhầm với các bệnh về đường hô hấp khác. Trẻ thường có dấu hiệu sau:
- Sốt nhẹ (sốt viêm phế quản phổi ở trẻ)
- Hắt hơi
- Ho khan
- Ngạt mũi
- Quấy khóc
Khởi phát đột ngột: Giai đoạn này triệu chứng rõ nét hơn. Trẻ bị viêm phế quản phổi chuyển sang những triệu chứng dưới đây:
- Bị sốt cao
- Tím tái
- Khó thở
- Rối loạn tiêu hóa, chán ăn, nôn mửa…
Giai đoạn toàn phát
- Sốt rất cao, có thể lên 40 độ C, không giảm dù uống thuốc hạ sốt; có trường hợp sốt li bì, co giật và hôn mê.
- Trẻ sơ sinh ho dữ dội, kéo dài, ho co thắt, có thể xuất hiện đờm, chảy mũi đặc vàng.
Nguyên nhân gây viêm phế quản phổi ở trẻ
Viêm phế quản phổi thường gặp ở trẻ sinh non, trẻ bị suy dinh dưỡng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm phế quản:
1. Virus: vi rút hợp bào cúm, Adenovirus, virus sởi,…
2. Vi khuẩn: phế cầu, liên cầu, Haemophilus influenzae, E.coli,..
3. Nấm: Aspergillus, Candida albicans,…
4. Ký sinh trùng
Nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn có sẵn trong đường hô hấp ở mũi và họng tràn theo đường phế quản, gây tổn thương nhu mô phổi.
Viêm phế quản phổi có lây không?
Rất nhiều người thắc mắc viêm phế quản phổi có lây không? Xin trả lời là có. Bởi lẽ, nguyên nhân gây bệnh là do virus, vi khuẩn nên có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Viêm phế quản phổi lây nhiễm qua con đường hô hấp. Cơ chế lây nhiễm như sau:
- Dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh. Chẳng hạn như bát đũa, khăn tắm, khăn mặt… Đây chính là con đường rất thuận lợi để virus, vi khuẩn gây bệnh lây nhiễm.
- Tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân. Người bệnh ho, hắt hơi nước bọt chứa vi khuẩn, virus bắn ra ngoài. Khi tiếp xúc gần với người bệnh, virus, vi khuẩn này có thể lây nhiễm cho người khác.
Phân biệt viêm phế quản phổi và lao phổi
Bệnh viêm phế quản phổi
- Viêm phế quản phổi diễn biến đột ngột với các triệu chứng sốt, ho có đờm xanh hoặc vàng.
- Xét nghiệm máu thấy lượng bạch cầu trong máu tăng.
- Xét nghiệm BK âm tính, hoặc không có trực khuẩn lao trong đờm, dịch tiết phế quản.
- Khi sử dụng kháng sinh các triệu chứng thuyên giảm nhanh.
Bệnh lao phổi
- Triệu chứng: ho ra máu, ho có đờm, sốt nhẹ về chiều hoặc tối, người bệnh bị gầy sút cân.
- Xét nghiệm thấy có trực khuẩn lao trong dịch phế quản, đờm, dịch màng phổi.
- Xét nghiệm BK dương tính.
- Chụp điện quang phổi: có tổn thương thâm nhiễm ở đỉnh phổi.
- Tổn thương nang lao trên sinh thiết: niêm mạc phế quản, sinh thiết phổi, hạch.
Viêm phế quản phổi có nguy hiểm không?
Bệnh viêm phế quản phổi có nguy hiểm không phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm sau:
- Áp xe phổi
- Nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu)
- Suy hô hấp
- Tràn dịch màng phổi
- Nhịp tim bất thường, đau tim, suy tim
- Suy thận
Cách chữa viêm phế quản phổi ở trẻ hiệu quả
Phác đồ điều trị viêm phế quản phổi gồm những gì?
Thể nhẹ
Các biện pháp hỗ trợ tại nhà
Nếu các dấu hiêu viêm phế quản phổi nhẹ, bạn không cần thiết đến bệnh viện điều trị, hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà bằng những cách đơn giản sau:
- Cho trẻ uống nước, bú và ăn uống đầy đủ.
- Nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý. Nghỉ ngơi ở nơi thông thoáng, tránh gió lùa.
- Vệ sinh mũi họng sạch sẽ bằng nước muối sinh lý.
- Giữ môi trường sống trong lành, sạch sẽ.
- Tránh xa khói thuốc lá, khói bụi độc hại.
- Dùng thuốc hạ sốt và thuốc giảm ho theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Nếu có hiện tượng khó thở, sốt cao > 38 độ C, tức ngực, người tím tái, suy hô hấp… thì cần nhập viện ngay lập tức để điều trị kịp thời.
Điều trị triệu chứng
Bạn nên nằm ngủ nghỉ ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh gió lùa trực tiếp; khi ngủ nằm cao đầu.
Dùng Paracetamol 10 – 15 mg/kg để hạ sốt. Cứ cách 6h lại dùng một lần, đến khi nhiệt độ cơ thể dưới 38 độ C thì ngừng sử dung. Chú ý tuyệt đối không dùng Paracetamol quá 100mg/kg/24 giờ.
Hút dịch mũi họng để làm thông thoáng đường hô hấp.
Nếu người bệnh viêm phế quản phổi o thắt thì cho dùng khí dung. Natri Chlorua 9‰ x 2ml. Oxy nồng độ 40 – 60%. Cho bệnh nhân thở 5 – 10 phút, sau đó vỗ rung và hút dịch mũi, mồm. Cứ 3- 4 giờ làm lại 1 lần.
Dùng thuốc kháng sinh
Bệnh nhân chưa dùng thuốc kháng sinh ở các đợt điều trị trước
- Dùng Ampicillin. Liều dùng: 50mg – 100mg/kg/24giờ, pha nước cất đủ 10ml, tiêm tĩnh mạch chậm. Chia 2 lần tiêm trong trong ngày (làm test trước khi tiêm).
- Có thể kết hợp với Amikacin; theo liều lượng 15 mg/kg/24 giờ, chia 2 lần tiêm bắp.
- Hoặc với Bruramycin với liều dùng 4mg/kg/24giờ, chia 2 lần tiêm bắp.
Bệnh nhân đã dùng kháng sinh
- Sử dụng thuốc kháng sinh Augmentin loại 0,5g hoặc 1g. Liều lượng dùng 100mg/kg/24 giờ, tiêm tĩnh mạch chậm. Trước khi tiêm cần pha loãng bằng nước cất đủ 20ml. Ngày tiêm 2 lần vào sáng và chiều. Và dùng Amikacin liều 15mg/kg/24 giờ, tiêm bắp, tiêm 2 lần/ngày.
- Hoặc có thể dùng Tarcefoksym (Cefotaximsodium) loại 1g. Liều dùng 100mg/kg/24 giờ. Tiêm tĩnh mạch chậm, ngày tiêm 2 lần. Và Amikacin liều 15mg/kg/24 giờ, tiêm bắp; cũng chi làm 2 lần/ngày.
Viêm phế quản do tụ cầu khuẩn
- Sử dụng thuốc Cloxacillin loại 0,5g. Liều dùng 100mg – 200mg/kg/24 giờ. Tiêm tĩnh mạch, 2 lần/ngày.
- Hoặc Bristopen loại 1g, liều dùng 100mg/kg/24 giờ. Tiêm tĩnh mạch, mỗi ngày tiên 2 lần.
- Hoặc Vancomycin loại 0,5g; liều dùng 30 – 50g/kg/24 giờ; pha vào huyết thanh mặn đẳng trương 9‰ vừa đủ truyền trong 1 giờ (tốc độ từ 15 – 20 giọt trong 1 phút).
- Hoặc Cefobis loại 1g: Liều dùng 100mg/kg/24 giờ, ngày tiêm 2 lần, pha loãng tiêm tĩnh mạch chậm.
Viêm phế quản phổi do Haemophilus influenzae
Thường xảy ra ở trẻ nhỏ 3 – 4 tuổi. Trong trường hợp này dùng Cloramphenicol loại 0,5g hoặc 1g; theo liều lượng 30 – 50mg/kg/24 giờ, pha loãng tiêm tĩnh mạch thật chậm (trong vòng 5 phút).
Trị viêm phế quản phổi bằng phương pháp dân gian
Hành tây
Hành tây vốn được coi là một phương thuốc kỳ diệu giúp cho cơ thể thoải mái hơn khi bị đau tức ngực, khó thở. Viêm phế quản phổi còn khiến trẻ có đờm trong cuống họng, cho bé dùng hành tây sẽ nhanh long đờm hơn; từ đó giúp bệnh nhanh thuyên giảm hơn.
Cách sử dụng hành tây đó là ép hành tây tươi và uống nửa thìa mỗi ngày. Với trường hợp viêm phế quản thể nặng thì có thể cho bé có thể uống nhiều lần trong ngày.
Rau diếp cá
Rau diếp cá từ lâu đã được sử dụng để tiêu diệt ký sinh trùng và chữa ung thư. Trong trường hợp điều trị viêm phế quản phổi cho trẻ, các bậc phụ huynh có thể rửa sạch rau diếp cá rồi ép lấy nước. Hấp cách thủy hỗn hợp nước vo gạo và nước ép rau diếp cá trong khoảng nửa tiếng và cho trẻ uống trong vòng 3 ngày. Những triệu chứng đau rát cổ họng, tức ngực sẽ giảm nhanh chóng.
Mật ong và gừng
Ho không phải là triệu chứng báo hiệu bệnh viêm phế quản phổi đang có dấu hiệu xấu đi, nó còn chứng minh rằng bệnh đang thuyên giảm nhanh bởi ho giúp ra đờm tự nhiên.
Có thể sử dụng trộn mật ong với hạt tiêu và gừng tươi đã xay. Cho bé ăn hỗn hợp này trong vài ngày. Nó sẽ giúp trẻ bớt đau rát họng, trị ho có đờm trẻ dễ thở hơn.
Thể nặng
Viêm phế quản phổi ở thể nặng cần phải đến bệnh viện thăm khám.
Nếu trẻ xuất hiện triệu chứng như:
- Thở nhanh, thở mệt
- Không chịu ăn uống
- Da tái hay nôn ói
Cha mẹ cần ngay lập tức đưa bé tới bệnh viện vì lúc này có thể bé đang gặp nguy hiểm khó lường trước.
Với những bé sơ sinh, đặc biệt là đẻ non và dưới 2 tuổi:
Viêm phê quản phổi thường diễn biến khá nặng nhưng các triệu chứng lâm sàng rất sơ sài. Vì vậy, nếu con có các dấu hiệu như:
- Bỏ bú, bú kém
- Rối loạn tiêu hóa
- Sụt cân
- Tím tái, khó thở, có những cơn ngừng thở
- Sùi bọt mép
Cha mẹ cần đưa bé tới bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Trẻ bị viêm phế quản phổi nên ăn gì, kiêng gì?
Để trẻ nhanh khỏi bệnh, ngoài cho uống thuốc đúng, đủ theo chỉ định của bác sĩ. Các mẹ cần chú ý chăm sóc và có chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé.
Thực phẩm cần tránh
Muối
Mẹ nên hạn chế tối đa lượng muối khi chế biến thực phẩm trong thực đơn hàng ngày của bé. Vì khi cơ thể thừa muối sẽ tích lũy chất lỏng khiến các mô phế quản hấp thụ rồi cùng lúc đó làm tăng sản xuất tiết chất nhày khiến cho bệnh của bé nghiêm trọng hơn. Các thực phẩm nhiều muối như đồ ăn đông lạnh, đồ ăn nhanh, đóng hộp và chế biến sẵn cũng nên được loại trừ khỏi thực đơn của trẻ.
Đồ ăn cay và nóng
như hạt tiêu, ớt cũng nên tránh trong các bữa ăn hàng ngày của bé. Vì nó sẽ làm hiện tượng ho kéo dài khi gây kích ứng niêm mạc phế quản.
Các món chiên, xào
và thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo (bao gồm cả sữa có hàm lượng chất béo cao) có thể làm gia tăng triệu chứng khó thở.
Đường
Mẹ nên giảm lượng đường trong chế độ ăn của trẻ và tránh cho bé thường xuyên sử dụng bánh kẹo, nước ngọt, đồ uống có gas. Điều này giúp tránh thừa đường trong cơ thể và hạn chế làm gia tăng tình trạng khó thở cho trẻ.
Quả có tính chát và chua
Các loại quả có tính chát và chua như táo, mận sẽ khiến bé khó long đờm hơn.
Thực phẩm nên ăn
Thực phẩm giàu dinh dưỡng
như bột mì, gạo, ngũ cốc hay đậu Hà Lan, đậu phụ, sữa đậu nành và trứng gà. Mẹ nên lưu ý chế biến loãng, dễ tiêu cho trẻ qua các món như súp, cháo và chia thành nhiều bữa nhỏ để con bớt nôn trớ.
Các loại trái cây và rau xanh đậm
Đây chính là nguồn bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Mẹ có thể sử dụng dâu tây; quả có múi như bưởi, cam; quả mọng và rau bina, bông cải xanh và cà rốt.
Các sản phẩm từ sữa (có hàm lượng chất béo thấp)
Sữa chua là sự lựa chọn khá tốt cho trẻ vì nó chứa nhiều vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa lại giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Nước uống
Vì trẻ bị viêm phế quản dễ mất nước hơn người bình thường nên mẹ hãy cho bé uống nhiều nước mỗi ngày để làm giảm tình trạng khô họng, viêm và hỗ trợ đào thải độc tố dễ dàng.
Phòng tránh viêm phế quản phổi
Để phòng ngừa viêm phế quản phổi ở trẻ, các bậc phụ huynh cần chú ý:
- Phụ nữ khi mang thai cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng; giữ sức khỏe tốt để tránh bị sinh non.
- Cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ
- Tiêm phòng cho trẻ đúng lịch
- Cho trẻ ở trong môi trường sạch sẽ, thoáng đãng
- Chăm sóc trẻ khoa học, cho bé ăn dặm đúng độ tuổi, tránh bị suy dinh dưỡng
- Tránh cho trẻ ra ngoài trong mùa dịch
- Cần giữ ấm cho trẻ trong mùa đông
- Khi bị ho không nên uống thuốc ho điều trị, nếu ho giúp tống đờm tra ngoài.
- Có dấu hiệu cảm lạnh, hoặc triệu chứng bệnh không nguy hiểm cũng cần điều trị khỏi triệt để tránh gây biến chứng về sau.
Trên đây là thông tin về bệnh viêm phế quản phổi, bạn đọc có thể tham khảo. Từ đó bổ sung kiến thức sức khỏe hữu ích, biết được cách điều trị và phòng ngừa bệnh cho bé. Bảo vệ con yêu tốt hơn!