Hiện có rất nhiều phụ nữ mang thai băn khoăn và lo lắng khi được bác sỹ chỉ định tiêm thuốc trợ phổi cho thai nhi vì có dấu hiệu sinh non. Liệu loại thuốc này có ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi hay không, viemphequan.net sẽ gỡ rối cho bạn.
Tác dụng của thuốc trợ phổi trong thai kỳ
Mang thai và làm mẹ là niềm vui không thể tả xiết đối với chị em phụ nữ. Thế nhưng, để tận hưởng trọn vẹn với thiên chức làm mẹ, nhiều chị em phải trải qua nỗi vất vả, khó khăn khi mang thai. Ví dụ như bệnh lý về đường hô hấp: viêm phế quản, viêm phế quản mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi với những triệu chứng ho khan, ho có đờm, viêm họng,… Đặc biệt, nguy cơ sinh non cần tiêm thuốc trợ phổi khiến các bà bầu lo lắng.
Về tác dụng của thuốc trợ phổi, theo các bác sỹ chuyên khoa; thuốc trợ phổi (hay còn gọi là thuốc trưởng thành phổi) có tác dụng hỗ trợ phổi cho thai nhi nhằm dự phòng suy hô hấp cho trẻ nếu có nguy cơ sinh non. Ngoài ra, biện pháp này giúp các bé sinh thiếu tháng hoặc sinh đủ tháng nhưng bị suy dinh dưỡng làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng tử vong sau sinh và sơ sinh tính chung. Những biến chứng đó gồm: xuất huyết não thất, nhiễm trùng hệ thống; viêm ruột hoại tử; chậm phát triển ở trẻ sau này, v.v…
Những thai phụ nào nên tiêm thuốc trợ phổi?
Thuốc trợ phổi là mũi tiêm dự phòng suy hô hấp cho trẻ nếu sinh non và không bắt buộc. Các bác sỹ chuyên khoa khuyến cáo, vì không biết mình có nguy cơ sinh non hay sinh con bị suy dinh dưỡng; do đó tất cả các thai phụ nên tiêm thuốc trưởng thành phổi. Đặc biệt, những thai phụ lớn tuổi, tiền sử sinh non, mang đa thai hoặc có bất thường cỏ nhau thai, tử cung,… thì nên chú trọng việc tiêm thuốc trợ phổi theo sự chỉ dẫn của bác sỹ.
Cách loại thuốc trợ phổi và cách tiêm
Có 2 loại thuốc trưởng thành phổi hiện nay đang được sử dụng là: Betamethatsone và Dexamethasone.
- Thuốc trợ phổi betamethatsone: Mẹ bầu cần tiêm 2 liều; liều lượng là 12mg/liều; tiêm bắp, mỗi liều tiêm cách nhau 24 giờ.
- Thuốc trưởng thành phổi dexamethasone: Cần tiêm 4 liều; liều lượng mỗi liều là 6mg, tiêm bắp. Mỗi liều bắt buộc phải tiêm cách nhau 12 giờ.
Tiêm thuốc trợ phổi được áp dụng cho phụ nữ mang thai ở tuần 24 – 34 có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày tới. Khi tiêm trưởng thành phổi, mẹ bầu cần phải nhập viện để bác sĩ theo dõi thường xuyên.
Tuổi thai sau 34 tuần, nếu có dấu hiệu phổi thai nhi chưa trưởng thành; các bác sĩ có thể chỉ định tiêm thuốc trợ phổi. Theo Hiệp hội sản phụ khoa Anh khuyến cáo; tất cả mẹ bầu định mổ lấy thai trước 39 tuần thì nên sử dụng thuốc trưởng thành phổi ở thời điểm thai nhi 34 – 36 tuần. Tuy nhiên, Hiệp hội sản phụ khoa Mỹ lại khuyến cáo; mẹ bầu không nên sử dụng thuốc trợ phổi sau tuần thai 34.
Do đó, ngay khi có biểu hiện dọa sinh non, cần phải ngay lập tức cho mẹ bầu nhập viện để thăm khám, điều trị kịp thời. Tùy từng trường hợp bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc trợ phổi hoặc thuốc giảm cơn gò tử cung.
Cơ chế hoạt động của thuốc trợ phổi
Đối với thai nhi
Khi mẹ bầu được tiêm thuốc trợ phổi, thuốc sẽ theo các mạch máu chuyển đến cơ thể thai nhi và tác động bằng nhiều cách:
- Giảm lượng chất lỏng trong phổi; tăng thể tích phổi.
- Tăng khả năng sản sinh surfactant, chất chỉ có đủ sau tuần thai 32. Chất Surfactant đóng vai trò chống lại lực đàn hồi của phổi; và làm giảm sức căng bề mặt của lớp dịch phế nang. Nếu cơ thể không sản xuất đủ surfactant, phổi của thai nhi có nguy cơ bị xẹp, dẫn đến suy hô hấp.
Đối với mẹ bầu
Làm tăng 30% bạch cầu sau 24 giờ, sau đó sẽ trở lại bình thường sau 3 ngày.
Sau khi tiêm mũi đầu tiên 12 giờ, lượng đường huyết tăng nhẹ; kéo dài trong khoảng 5 ngày. Do đó, tầm soát tiểu đường thao kì cần phải thực hiện trước khi tiêm thuốc trợ phổi; hoặc sau khi tiêm thuốc 5 ngày để có kết quả chính xác nhất. Nếu mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nặng thì cần ở lại để theo dõi.
Như vậy, việc tiêm thuốc trợ phổi cho bà bầu có vai trò quan trọng nhằm giúp thai nhi sinh ra khỏe mạnh; tránh gặp biến chứng nguy hiểm đe dọa tới tính mạng. Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ nhất định nên khi tiêm phòng; thai phụ nên tuân thủ đúng sự chỉ định của bác sỹ.