Bệnh Whitmore là bệnh truyền nhiễm được gọi với cái tên rất đáng sợ là nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người”. Đây không phải là loại bệnh mới, thực tế nó đã xuất hiện từ nhiều năm trước nhưng thời gian gần đây đã ghi nhận một số ca mắc bệnh Whitmore tại Việt Nam khiến nhiều người hoang mang
Bệnh Whitmore là bệnh gì?
Bệnh Whitmore (Melioidosis) là một bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm cho người hoặc động vật. Bệnh gây ra bởi một loại vi khuẩn ăn thịt người có tên Burkholderia pseudomallei. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở vùng khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là vùng Đông Nam Á và phía bắc Australia. Các vi khuẩn gây bệnh whitmore được tìm thấy trong đất và nước bị ô nhiễm. Nó lây lan sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn ô nhiễm
Bệnh whitmore xuất hiện ở Việt Nam
PGS.TS Đỗ Duy cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai cho biết số ca mắc bệnh whitmore gia tăng đáng kể trong mùa mưa với tỷ lệ tử vong cao. Chỉ tính riêng trong tháng 8/2019, có ít nhất 12 người phải nhập viện vì bị bệnh whitmore tại bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Nhiệt Đới.
Trong các ca mắc bệnh thì đã có 4 trường hợp tử vong. Năm nay, 20 trường hợp đã được báo cáo. Con số này tương đương với những báo cáo trong mười năm qua. PGS.TS Đỗ Duy cường cũng cho biết mùa mưa cung cấp các điều kiện tốt cho sự phát triển của virus. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao khoảng 40% nếu bệnh nhân chẩn đoán sai và không được điều trị đúng cách.
Theo bác sĩ đây là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng gây tổn thương cho nhiều cơ quan. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường hoặc các bệnh liên quan đến phổi, tim hoặc thận mãn tính dễ bị nhiễm virus. Những bệnh nhân này có thể bị suy đa tạng và tử vong nếu bị nhiễm bệnh.
Bệnh whitmore để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Đôi khi chỉ với 1 vết xước nhỏ trên da bị tiếp xúc với đất, nước bẩn có chứa vi khuẩn gây bệnh thì nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Các biến chứng thường là nhiễm trùng máu, áp xe, viêm phổi
Bệnh whitmore có lây không
Con đường lây nhiễm bệnh whitmore là thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất và nước mặt bị ô nhiễm. Con người và động vật bị nhiễm khuẩn do hít phải bụi bẩn hoặc hơi nước bị nhiễm bẩn, uống phải nước bị ô nhiễm và tiếp xúc với đất bị ô nhiễm, nhất là qua các vết trầy xước trên da.
Rất hiếm khi bệnh whitmore lây từ người này sang người sang người khác tuy nhiên vẫn có trường hợp được khi nhận. Con đường lây nhiễm chủ yếu vẫn là qua tiếp xúc với đất, nước nhiễm khuẩn.
Ngoài con người ra thì nhiều loài động vật khác cũng dễ bị bệnh whitmore bao gồm: Cừu, dê, heo, ngựa, mèo, chó, gia súc.
Triệu chứng bệnh whitmore
Các triệu chứng, dấu hiệu của bệnh whitmore thường không đặc hiệu, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như bệnh lao, viêm phổi vì vậy việc nhận biết bệnh gặp nhiều khó khăn.
- Khi nhiễm trùng cục bộ sẽ gây đau, sưng cục bộ kèm theo sốt, loét, áp xe
- Nếu nhiễm trùng phổi thì triệu chứng bao gồm ho, đau ngực, sốt, chán ăn, đau đầu
- Nhiễm trùng máu gây sốt, đau đầu, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp, mất phương hướng
- Nếu nhiễm trùng lan truyền thì bệnh nhân sẽ bị sốt, sút cân, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ hoặc khớp, đau đầu, lên cơn động kinh
Khoảng thời gian từ khi tiếp xúc với vi khuẩn cho đến khi các triệu chứng của bệnh whitmore xuất hiện thường không xác định được rõ ràng nhưng có thể từ 1 ngày đến nhiều năm. Nhìn chung các triệu chứng thường xuất hiện sau khi tiếp xúc từ 2-4 tuần
Chẩn đoán bệnh whitmore
Chẩn đoán bệnh whitmore nhờ vào việc phân lập vi khuẩn Burkholderia pseudomallei trong mẫu máu, nước tiểu, đờm, dịch hoặc tổn thương da của bệnh nhân. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể xét nghiệm kháng thể trong máu để chẩn đoán nhưng độ chính xác của phương pháp này không đáng tin cậy so với nuôi cấy vi khuẩn
Bệnh whitmore có chữa được không
Phác đồ điều trị có thể thay đổi phụ thuộc vào loại nhiễm khuẩn.
Ở giai đoạn đầu phát bệnh tối thiểu 10-14 ngày dùng kháng sinh theo đường truyền tĩnh mạch (IV). Thời gian điều trị bằng kháng sinh có thể kéo dài đến 8 tuần. Bác sĩ có thể áp dụng 1 trong 2 phác đồ điều trị là
- Ceftazidime (Fortaz, Tazicef): 6-8 giờ/lần
- Meropenem (Merrem): 8 giờ
Giai đoạn điều trị 3-6 tháng tiếp theo sẽ sử dụng 1 trong 2 loại kháng sinh đường uống
- Sulfamethoxazole-trimethoprim (Bactrim, Septra, Sulfatrim), uống mỗi 12 giờ
- Doxycycline (Adoxa, Alodox, Avidoxy, Doryx, Monodox), uống mỗi 12 giờ
Cách phòng tránh bệnh whitmore
Hiện chưa có loại vaccine phòng và điều trị bệnh whitmore nên việc phòng tránh bệnh là rất cần thiết
- Đối với những người thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường đất, nước bẩn như công nhân, người làm vườn…thì cần sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như giày, ủng, găng tay, khẩu trang…Nếu bị trầy xước da thì cần điều trị càng sớm càng tốt
- Bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, bệnh thận mãn tính, bệnh phổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh whitmore cao hơn với các dấu hiệu nhận biết như sốt cao, đau cơ, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi…Bệnh nhân có thể tử vong nếu các triệu chứng không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời
- Đối với những người khác thì cần hạn chế tiếp xúc với bùn đất, nước đọng, nhất là khi có vết thương hở.
- Nhân viên y tế nên đeo khẩu trang, găng tay, áo choàng
- Nếu sử dụng các sản phẩm từ sữa thì bạn cần chắc chắn chúng đã được tiệt trùng
- Vệ sinh thân thể sạch sẽ, nếu tay chân dính bùn đất thì phải rửa sạch bằng xà phòng diệt khuẩn và lau khô
- Tránh tiếp xúc với máu, chất dịch cơ thể của người đã bị nhiễm bệnh whitmore
Như vậy có thể thấy bệnh whitmore là bệnh cực kỳ nguy hiểm tưởng chừng như đã bị bỏ quên nhưng thời gian gần đây xuất hiện trở lại. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh rất mơ hồ, khó chẩn đoán. Tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Với trường hợp nhiễm khuẩn cấp thì có thể tử vong trong vòng 1 tuần từ lúc phát bệnh