Bé bị nổi mề đay về đêm là hiện tượng khiến không ít các bậc phụ huynh lo lắng. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Biện pháp khắc phục nào có hiệu quả tốt nhất? Bạn đọc hãy cùng với bài viết dưới đây tìm hiểu nhé!
Nổi mề đay ở trẻ về đêm là gì?
Nổi mề đay là hiện tượng trên da đột ngột xuất hiện các mảng đỏ sần sùi, ngứa và sưng tấy rất khó chịu. Các vùng nổi mẩn có kích thước đa dạng, xảy ra ở một khu vực cố định hoặc toàn bộ thân thể người bệnh. Trẻ em có làn da mẫn cảm hoặc cơ địa dị ứng có nguy cơ nổi mề đay cao hơn bình thường.
Tình trạng này thường không phải vấn đề quá nguy hiểm. Tuy nhiên nếu mẩn ngứa thường xuất hiện về đêm có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ của trẻ. Trong một số trường hợp, bệnh còn phát triển thành dạng mãn tính kéo dài dai dẳng, khiến cuộc sống bệnh nhi bị đảo lộn.
Thông thường, trẻ bị nổi mề đay ban đêm sẽ gặp phải các triệu chứng sau:
- Các vùng da màu hồng nhạt, hơi gồ lên so với bề mặt da bình thường. Khi sờ vào có cảm giác cứng và trơn.
- Ngứa ngáy khó chịu, cảm giác này sẽ càng gia tăng nếu trẻ bị nóng. Khi bị ngứa, bé sơ sinh hoặc dưới 3 tuổi có thể quấy khóc.
- Nếu hiện tượng nổi mề đay liên quan đến hệ miễn dịch, trẻ dễ bị phù mạch tại một số vị trí như mặt, mí mắt và mắt cá chân.
- Một số triệu chứng khác: Sốt nhẹ, thở gấp, hơi thở đứt quãng,…
Nguyên nhân bé bị nổi mề đay về đêm
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bé bị mẩn ngứa vào ban đêm:
- Do vi trùng: Nếu những vi khuẩn, nấm men tồn tại trong bụi bẩn không khí tấn công vào cơ thể thông qua hệ hô hấp, chúng có thể khiến hệ thống miễn dịch phản ứng. Kết quả là bé bị nổi mề đay và mẩn ngứa.
- Do nhiệt độ thay đổi đột ngột: Sự biến đổi của nhiệt độ môi trường, ví dụ như từ cao xuống thấp, rất dễ xảy ra về đêm. Đây chính là điều kiện lý tưởng giúp mề đay, mẩn ngứa phát triển ở những bé có làn da nhạy cảm.
- Do phản ứng miễn dịch của cơ thể: Dị ứng có thể nói là nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng nổi mề đay ở trẻ em. Khi các dị nguyên xâm nhập vào cơ thể, chúng khiến hệ miễn dịch tiết ra histamin hóa học. Những histamin này có thể tích tụ dưới biểu bì, gây ra nổi mẩn và ngứa ngáy. Một số các dị nguyên thường gặp: thực phẩm, thuốc Tây y, bụi mịn, phấn hoa, lông vật nuôi trong nhà,…
- Do lupus ban đỏ: Tình trạng nổi mề đay mãn tính ở trẻ em có thể là do bệnh lupus ban đỏ. Đây là bệnh lý khiến chức năng của hệ miễn dịch bị rối loạn, làm nó tấn công cả những tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, dẫn đến hiện tượng mẩn ngứa trên da.
Bé bị nổi mề đay về đêm – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu tình trạng nổi mề đay về đêm của trẻ do những nguyên nhân như thay đổi thời tiết hay dị ứng nhẹ, nó có thể tự biến mất sau 24 giờ mà không cần có sự can thiệp của các biện pháp y tế. Thế nhưng, nếu trẻ rơi vào một số trường hợp sau đây, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám ngay lập tức:
- Trẻ bị mề đay kèm theo đó là hiện tượng phù nề ở mặt và đường hô hấp, khiến bé cảm thấy khó thở, chóng mặt, thậm chí là ngất xỉu.
- Trẻ bị nổi mề đay sau khi tiếp xúc với côn trùng (ví dụ như ong), sau khi uống thuốc mới, sau khi ăn phải thực phẩm dễ gây dị ứng (ví dụ như đậu phộng).
- Trẻ bị mề đay kéo dài quá ba ngày dù đã sử dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà.
Cách biện pháp điều trị cho bé bị nổi mề đay về đêm
Nếu bé bị nổi mề đay vào ban đêm, cha mẹ có thể thử áp dụng một số các biện pháp điều trị dưới đây:
- Sử dụng các loại thuốc ức chế histamin: Các loại thuốc ức chế histamin có thể giúp làm giảm các triệu chứng ngứa ngáy và nổi mẩn khó chịu ở trẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé cha mẹ chỉ nên dùng thuốc khi đã hỏi ý kiến từ bác sĩ. Một số loại thuốc kháng histamin có thể kể đến là: Clorpheniramin, loratadin, cetirizin, fexofenadin,…
- Loại bỏ các chất gây dị ứng: Trong trường bé chỉ bị nổi mề đay trên một số vùng cơ thể, rất có thể nguyên nhan là do côn trùng (ví dụ như lông sâu róm, bướm đêm,..). Vì vậy, cha mẹ nên dùng nước ấm và xà phòng vệ sinh cơ thể bé, đồng thời thay cho bé một bộ quần áo mới.
- Sử dụng các loại kem bôi ngoài da: Các loại kem bôi ngoài da như calamine, hydrocortisone 1% có thể hữu ích trong các trường hợp trẻ bị mẩn ngứa về đêm. Những thuốc bôi này thẩm thấu nhanh vào bên trong da, giúp cải thiện tình trạng ngứa ngáy khó chịu cho bé. Trong trường hợp nhà không có sẵn thuốc, cha mẹ cũng có thể sử dụng hỗn hợp bột baking soda pha với nước để thay thế.
- Sử dụng đá lạnh để chườm: Chườm lạnh là một trong số các biện pháp khắc phục chứng nổi mề đay vừa đơn giản vừa hiệu quả nhanh. Dưới tác động của nhiệt lạnh, các vùng nổi mẩn sẽ nhanh chóng bớt sưng tấy, đồng thời làm giảm tình trạng ngứa ngáy kéo dài gây khó chịu ở trẻ. Cha mẹ cần chú ý không chườm lạnh quá lâu trên da bé vì có thể gây bỏng.
- Bài thuốc dân gian từ các loại đậu: Các loại đậu hạt như đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ đều có tác dụng tiêu độc, giải nhiệt và tiêu viêm. Chúng rất thích hợp dùng trong các trường hợp trẻ bị mẩn ngứa do nóng gan. Cách điều chế như sau: Đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh dùng với tỷ lệ 4:3:3, cho vào chảo rang khô rồi tán thành bột mịn. Mỗi ngày cho bé dùng 30g cùng với nước ấm, chia làm ba lần đều đặn sau khi ăn.
Bài viết trên đây hy vọng đã giúp bạn đọc giải đáp được phẩn nào những thắc mắc liên quan đến vấn đề bé bị nổi mề đay về đêm. Để phòng tránh tình trạng này, bạn nên dành thời gian vệ sinh sạch sẽ phòng ngủ của bé cũng như đưa trẻ đi khám tại các bệnh viện uy tín trong các trường hợp mẩn ngứa kéo dài nhiều ngày không khỏi.
Theo : THP